Giá vàng thế giới tăng mạnh tuần qua, hướng về ngưỡng 2.400 USD/ounce. Vàng nhẫn trơn tăng theo, cao gần bằng giá vàng miếng SJC. Xu hướng vàng quốc tế và nhẫn trơn thời gian tới sẽ như thế nào?
Fed sắp bước vào chu kỳ mới, vàng thế giới bứt phá
Sau một thời gian trầm lắng, chịu áp lực bán chốt lời và xoay quanh vùng 2.300-2.350 USD/ounce, thị trường vàng sôi động trở lại. Giá vàng thế giới trong tuần 1-5/7 bất ngờ bứt phá mạnh trong phiên cuối tuần, lên gần 2.390 USD/ounce.
Cú bứt phá vượt nhanh qua ngưỡng cản 2.350 USD/ounce đã mở ra xu hướng tăng giá mới cho mặt hàng này và thị trường vàng càng hấp dẫn nếu vàng vượt qua ngưỡng cản tâm lý 2.400 USD/ounce trong tuần mới.
Thị trường vàng thế giới trở nên sôi động và có triển vọng tươi sáng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bớt "diều hâu" hơn đối với chính sách tiền tệ. Điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới bắt đầu phát ra nhiều tín hiệu tiêu cực.
Hai năm qua, nước Mỹ dồn lực để chống lạm phát, đẩy lãi suất lên đỉnh cao trong hơn 4 thập kỷ, ở mức 5,25-5,5%/năm và duy trì từ tháng 9/2023 tới nay. Mặc dù lãi suất được duy trì ở mức cao và kéo dài nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ một cách bất ngờ.
Gần đây, nền kinh tế Mỹ phát ra nhiều tín hiệu không mấy tích cực. Số liệu việc làm trong tháng 5 được điều chỉnh giảm, còn tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 6 tăng lên.
Trước đó, giới quan sát thị trường bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của chính sách lãi suất cao. Đây cũng là điều mà Fed theo dõi rất sát. Dù vậy, tác động của chính sách thường có độ trễ. Do vậy, rất khó xác định thời điểm hợp lý để thay đổi hoặc đảo chiều chính sách, qua đó giúp nền kinh tế thoát khỏi những cuộc khủng hoảng, cú sốc hay đơn giản là những sự biến động giật cục vì chính sách.
Theo Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của Mỹ ghi nhận 206 nghìn công việc mới trong tháng 6, thấp hơn khá nhiều con số 218 nghìn việc làm mới trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại, lên mức 4,1%, cao hơn so với mức 4% như dự báo của các nhà kinh tế.
Với tín hiệu suy yếu của thị trường việc làm Mỹ, giá vàng thế giới giao ngay một lần nữa tiến gần đến mốc 2.400 USD/ounce.
Hồi giữa tháng 4 và trong tuần thứ 3 của tháng 5, giá vàng thế giới giao ngay đã vượt ngưỡng này và có lúc đạt đỉnh lịch sử 2.450 USD/ounce khi giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6. Tuy nhiên, sự mạnh mẽ bất ngờ của kinh tế Mỹ cùng lạm phát ở mức khá cao, vẫn trên 3%, chưa về ngưỡng mục tiêu 2% đã dẫn tới sự trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed.
Những tín hiệu xấu hơn của kinh tế Mỹ trong tuần qua khiến khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp hôm 18/9 tới tăng vọt.
Tính tới chiều 7/7, theo các tín hiệu từ công cụ CME FedWatch, thị trường đang đánh cược 77,9% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9. Trong đó, có 72% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm, từ mức 5,25-5,5%/năm hiện tại xuống 5-5,25%/năm. Hôm 3/7, tỷ lệ dự báo cắt giảm lãi suất chỉ ở mức 67%.
Vàng có lên 2.500 USD, nhẫn trơn tới mức nào?
Giới đầu tư đang theo dõi rất sát diễn biến trên thị trường quốc tế sau khi Fed có tín hiệu bớt "diều hâu" hơn đối với chính sách tiền tệ. Khả năng Fed giảm lãi suất trở nên “rộng cửa” hơn do tỷ lệ thất nghiệp lên sát đỉnh 3 năm.
“Cửa” giảm lãi suất rộng hơn không phải vì Fed tự tin hơn với lạm phát giảm mà vì những rủi ro mà nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt khi chính sách tiền đắt được duy trì khá lâu.
Lãi suất cũng như lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức cao khiến đồng USD vẫn rất mạnh so với hầu hết đồng tiền khác, không chỉ gây bất ổn trên thị trường tài chính thế giới mà còn tạo áp lực kìm hãm lớn lên vàng.
Nếu USD không mạnh, vàng có thể còn tăng giá ở mức dữ dội hơn nhiều trong vài tháng qua.
Giờ đây, tín hiệu Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ, từ thắt chặt sang nới lỏng bắt đầu từ tháng 9 tới, trở nên rõ ràng hơn. Đồng USD cũng có thể bước vào một xu hướng downtrend giảm giá dài hạn. Fed có thể có cả chục lần giảm lãi suất ở phía trước.
Với diễn biến mới, nhiều khả năng vàng sẽtrở lại xu hướng tăng giá đã xác lập từ cuối năm 2023. Trước đó, Goldman Sachs dự báo vàng sẽ lên mức 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay và 3.000 USD/ounce trong năm sau. Khả năng này được nhiều người tin tưởng nếu Fed giảm lãi suất.
Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đã mua ròng vàng trở lại sau khi bất ngờ ngừng mua vàng trong tháng 5, chấm dứt chuỗi 18 tháng mua ròng trước đó.
Theo chiến lược dài hạn, Trung Quốc sẽ gia tăng nắm giữ vàng và giảm nắm giữ đồng USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hiện có tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối ở mức khá thấp, chỉ 4,9%.
Không chỉ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông vẫn tăng cường mua vàng. Dù vậy, trước mắt, trong tuần 8-12/7, giá vàng giao ngay đối mặt với ngưỡng cản tâm lý quan trọng là 2.400 USD/ounce. Nếu không vượt được ngưỡng này, áp lực chốt lời và hoạt động bán khống có thể gia tăng khiến vàng điều chỉnh giảm trở lại.
Với các "tay to" như Trung Quốc, hoạt động mua vàng sẽ kín đáo, có thể tranh thủ vàng giảm trong tháng 6 để mua mạnh, khi vàng lên 2.400 USD/ounce có thể giảm mua. Tuy nhiên, mốc Fed đảo chiều chính sách tiền tệ trong tháng 9 có thể khiến nhiều tay chơi trên thị trường vàng quốc tế khó trì hoãn mua vàng lâu thêm nữa.
Theo khảo sát trên Kitco, 83% chuyên gia cho rằng vàng tăng trong tuần mới. Còn 66% nhà giao dịch bán lẻ dự đoán tương tự. Trong nước, giá vàng miếng SJC bất động ở mức gần 77 triệu đồng/lượng (giá bán) khoảng 30 phiên liên tiếp. Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục đi lên và hiện lên mức 76,5-76,7 triệu đồng/lượng (giá bán), tức chỉ thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 300 nghìn đồng/lượng. So với đầu năm, vàng nhẫn đã tăng khoảng 13-14 triệu đồng/lượng.
Theo Mạnh Hà (Vietnamnet)